Du học nghề và chuyện xử phạt ở Đức

Hôm nay, WBS Training Vietnam sẽ chia sẻ đến các bạn đang có kế hoạch du học nghề hay làm việc và định cư ở Đức cũng như các bạn vừa đến Đức về các loại xử phạt mà bạn sẽ rất dễ mắc phải tại đây.

Cùng WBS Training Vietnam tham khảo nhé!

Check Post

Vâng, kiểm tra bưu phẩm.

Có thể ở Việt Nam, bạn không quá quen với việc sử dụng các dịch vụ của bưu điện. Tuy nhiên, hãy làm quen với việc đó khi sinh sống, học tập và làm việc ở Đức nhé.

Bưu điện là một trong những dịch vụ thường xuyên tại Đức. Kèm với đó là việc các bưu phẩm quan trọng cũng sẽ được gửi qua dịch vụ này. Vì vậy, hãy luôn nhớ kiểm tra hộp thư và các bưu phẩm thường xuyên. Nếu chẳng may bỏ xót các bưu phẩm về các khoản phí, bạn có thể sẽ phải ra tòa đấy!

Một ví dụ cụ thể hơn là trong tháng 11 mới đây, mình đã đi du lịch 1 tháng liền và mình cần phải thanh toán các khoản chi phí đào tạo cho trường. Tuy nhiên, do mình không có mặt ở địa điểm thường trú nên đã phải nhận đến 3 “mahnung” cảnh cáo liên tục kèm với phí phạt là 5 Eur mỗi lần. Đến lần thứ 4 mình đã nhận được thông báo thanh toán này cùng với đó cũng là cảnh báo hầu tòa. Vì vậy, nếu phải rời khỏi địa điểm thường trú thời gian dài để du lịch hay công tác, bạn hãy để lại những lưu ý cho bưu điện như việc gửi đến một địa chỉ khác hay gửi cho hàng xóm, những người có thể giúp bạn đọc thư của mình.

Mailbox
Thường xuyên kiểm tra hộp thư của mình và đặt lưu ý khi rời nhà trong thời gian dài (Nguồn: Internet)

Luôn đọc kỹ và đọc hết chi tiết

Hãy luôn đọc thật kỹ tất cả mọi thông tin hoặc bạn sẽ phải nhận phạt một cách ấm ức đấy!

Mình đã từng nhận phạt từ INKASSO trong năm trước khi nhầm lẫn về một khoản phí thanh toán giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản mua hàng của mình. Khi thấy thông tin khoản tiền đã được chuyển về, mình cứ đinh ninh rằng ngân hàng đã nhận được nó nhưng thực tế là khoản phí đó lại được chuyển vào tài khoản mua sắm của mình.

Nếu bạn không kịp thanh toán những khoản phạt, bạn sẽ được có mặt trong danh sách “SCHUFA”.

“SCHUFA” là một danh sách đen, một “chứng nhận” cho việc bạn không có khả năng chi trả các khoản phí và hiển nhiên, việc có mặt trong danh sách này sẽ khiến bạn gặp rất nhiều rắc rối trong việc mua hàng trả góp hay thuê nhà trong tương lai.

Vì vậy, hãy luôn luôn xem thật kỹ kể cả những dòng chữ nhỏ nhất!

Làm việc với giấy trắng mực đen

Thêm một kinh nghiệm khác của mình lúc vừa đến Đức. Mình đã làm việc với một tư vấn viên về các ưu đãi khi đăng ký dịch vụ internet và điện thoại, thật sự rất may mắn vì mình đã nhờ chị ấy ghi rõ lại mọi hạng mục vào hợp đồng.

Ngay ở tháng đầu tiên, mình đã bị trừ đến gấp đôi khoản phí đăng ký trên hợp đồng và đã phải gọi đến “Kundenservice”, dịch vụ khách hàng để được trả lời là không có bất cứ gói dịch vụ nào như vậy. Mình đã mang theo hợp đồng đến trung tâm xử lý gần nhà và được giải quyết theo đúng như hợp đồng kèm với đó là gói ưu đãi tăng thêm 1 năm sử dụng miễn phí.

Vì vậy, khi bạn làm bất cứ việc gì, hãy yêu cầu được ghi rõ ràng trên giấy tờ. Bởi lẽ, là một người nước ngoài sinh sống tại Đức, bạn sẽ rất dễ dàng nghe được lí do “có thể bạn đã hiểu nhầm ý của chúng tôi” (hoặc có thể hiểu là “do bạn không giỏi tiếng Đức” đấy) khi không có giấy trắng mực đen rõ ràng.

Tìm hiểu hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC là gì?
Hãy yêu cầu được ghi rõ tất cả nội dung quan trọng lên giấy tờ (Nguồn: Internet)

Luôn luôn giữ lại mọi hóa đơn

“Quittung” – hóa đơn là “bằng chứng” cho mọi chi tiêu của bạn, nhất là những hóa đơn bưu điện.

Vừa rồi, mình đã gửi giấy tờ về Việt Nam. Thông thường, chỉ mất khoảng 2 tuần để nhận được thế nhưng lần này, mình đã mất đến hơn 2 tháng. May mắn là mình vẫn còn giữ hóa đơn bưu điện nên đã được hỗ trợ giải quyết nhanh chóng.

Tất nhiên, với việc trả lại đồ hay bị thất lạc đồ, sẽ chẳng ai giải quyết cho bạn nếu không có những hóa đơn “chứng nhận” này đâu nhé!

quittung - hóa đơn
Giữ lại mọi hóa đơn thanh toán ít nhất 1 tháng (Nguồn: Internet)

Những khoản phí không đóng là bị phạt

Tiếp theo là về những khoản phí mà bạn bắt buộc phải nộp dù cho không có nhu cầu sử dụng.

Khi đã ở Đức thì cụm từ Rundfunkbeitrag chắc hẳn không còn lạ lẫm đối với bạn.

Rundfunkbeitrag gọi chung là phí tivi và radio, loại phí này đã có từ khi CHLB Đức được thành lập. Vào năm 2009 thậm chí người ta còn phải đóng 17,98€ mỗi tháng, nhưng từ năm 2015 con số này được giảm xuống còn 17,50€.

Rundfunkbeitrag
Rundfunkbeitrag – Phí dịch vụ truyền thông (Nguồn: Internet)
Những ai không cần đóng khoản phí này?

Chỉ có những đối tượng thuộc diện phải nhận trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội mới được miễn phí này.

Bên cạnh đó, những người khiếm thính, khiếm thị hay phải nhận chăm sóc đặc biệt cũng sẽ không phải đóng. Người tàn tật sẽ chỉ phải đóng 1/3 số phí này.

Ngoài ra, tất cả mọi người bình thường dù lớn hay nhỏ đều phải đóng.

Xem thêm chi tiết tại đây nhé!

Nếu tôi không xem hay nghe hoặc không có TV hay Radio thì có phải đóng không?

Một lời khuyên của mình đó chính là hãy đi mua ngay cho một chiếc TV hoặc Radio vì dù sao đi nữa bạn cũng phải thanh toán khoản phí này thôi.

Bạn cũng có thể đóng chung với nhũng người sống cùng căn hộ của mình để giảm bớt chi phí.

Sẽ thế nào nếu tôi không thanh toán khoản phí này?

Đừng vội cáu gắt với khoản phí này vì ngay cả người Đức cũng rất bức xúc với nó đấy. Nhiều người Đức đã nói với mình rằng “thà bóc lịch 6 tháng còn hơn đóng cái khoản phí nhảm nhí này”.

Thế nhưng, nếu không đóng khoản phí này thì cứ khoảng vài tháng, bạn sẽ lại được nhận “mahnung” và được mời ra tòa. Bạn cũng có thể sẽ được trải nghiệm nhà giam ở Đức nếu khoản phí này lên đến khoảng 1-2000 Eur mà không được thanh toán đấy nhé.

Hundersteuer

Thuế chó. Đây là loại thuế mà bạn cần phải đóng khi sở hữu vật nuôi là một hoặc nhiều chú chó nếu không muốn nhận phạt dù bạn chẳng được lợi gì. Tuy nhiên, mèo sẽ không cần phải đóng thuế đâu.

10.000 Eur là số tiền bạn sẽ cần để đóng phạt nếu chẳng may chú chó của bạn bị cảnh sát kiểm tra mà không được gắn chip hay chưa được đóng thuế và bảo hiểm.

Hundersteuer
Nhớ đóng Hundersteuer và gắn chip cho “những người bạn” đáng yêu của mình nhé (Nguồn: Internet)

Nói bậy, xúc phạm người khác

Nếu bạn chẳng may thốt lên những lời lẽ không hay hoặc mang tính xúc phạm người khác và có bằng chứng thì xin chúc mừng, bạn sẽ cần chuẩn bị một khoản phí để đóng phạt đấy.

Xử phạt ở Đức
Hạn chế khẩu nghiệp! Nếu có bằng chứng, bạn có thể sẽ bị khởi kiện vì tạo nghiệp đấy!!!

Hàng tá các khoản phạt khác

Ở Đức vẫn còn hàng tá các khoản phạt có thể khiến bạn “ngạc nhiên” như việc tải một file qua mạng chia sẻ ngang hàng như torrent, đổ rác không đúng nơi quy định, xe đạp đi buổi tối không có đèn trước và sau,…

Và còn rất nhiều các hình phạt khác nữa, các bạn có thể tham khảo thêm mức phạt khác ở đây nha: https://www.bussgeldkatalog.org/

Các bạn ở Đức đã bị ăn phạt bao giờ chưa? Nếu đã bị ăn phạt thì hãy chia sẻ lí do cùng mình để mình không cô đơn nhé!

Truy cập website của WBS tại đây để xem các bài viết khác.

Theo dõi Facebook của WBS Training Vietnam tại đây để xem thêm thông tin về các khóa học!

Bài viết liên quan