Người Đức chán nản với việc phải nghỉ ngơi quá dài

Người Đức đang cảm thấy mệt mỏi và chán nản với chính sách nghỉ ngơi lên đến 11 giờ của nước này! Tại sao lại như vậy nhỉ? Cùng tìm hiểu nhé!

Ở các đa số các quốc gia đặc biệt là châu Á, bạn có thể khá quen thuộc với chuyện người lao động phải làm việc liên tục, nếu “overtime” không phải là điều gì đó xa lạ với bạn thì tại Đức, đây là một trong những hành vi được coi là vi phạm pháp luật nước này.

Quy định thời gian làm việc tại Đức

Theo Đạo luật thời gian làm việc (Arbeitszeitgesetz) của Đức. Mỗi công nhân viên của nước này cần tuân thủ chính sách làm việc không quá 8 giờ mỗi ngày. Đồng thời, thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm việc ít nhất phải đạt 11 giờ. Bất kỳ mọi hoạt động liên quan đến công việc trong thời gian này đều được xem là… vi phạm pháp luật.

Ở Việt Nam, chúng ta có thể đã quen với thuật ngữ “Overtime” – làm ngoài giờ, nhưng tại Đức, mọi người sẽ chỉ nói đến “Feierabend” – cắt đứt mọi liên hệ với công việc.

Theo quy định, “Feierabend” là khoản thời gian nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc và không ai được phép làm gián đoạn “Feierabend” của bạn.

Về điều luật này, ông David Markworth, một nhân viên của Viện Luật lao động & Thương mại Đại học Cologne (University of Cologne’s Institute of Labour and Commercial Law) cho rằng: “Người Đức thể hiện ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc tách biệt công việc và đời sống riêng tư”. Đó chính là lý do ra đời của đạo luật này.

Thực tế cho thấy, nước Đức dù có nhiều ngày lễ hơn so với nhiều quốc gia khác của châu Âu cùng với thời gian làm việc trung bình thuộc hàng thấp nhất ở EU (trong 2019, thời gian làm việc trung bình mỗi tuần ở Đức là 34,8 giờ so với EU là 37 giờ), tuy nhiên, Đức cũng được biết đến là quốc gia có năng suất làm việc cao hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy, Đức đang làm rất tốt trong việc cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi với các đạo luật về thời gian làm việc của mình.

Người Đức chủ yếu làm việc theo thời gian được quy định dựa vào Đạo luật về giờ làm việc (Arbeitszeitgesetz), được tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc công việc và không bao gồm thời gian giải lao.

Tất nhiên, số giờ làm việc khác nhau còn phụ thuộc vào bạn làm công việc toàn thời gian hay bán thời gian.

Làm việc trong giờ nghỉ tại Đức được coi là một hành vi phạm tội
Làm việc trong giờ nghỉ tại Đức được coi là một hành vi phạm tội (Nguồn: Internet)

Làm việc toàn thời gian (Vollzeitarbeiten) ở Đức

Một tuần làm việc của người Đức được xác định từ thứ Hai đến thứ Bảy. Tuy nhiên, với đa số các ngành tại đây thì thời gian làm việc tiêu chuẩn lại được tính từ thứ Hai đến thứ Sáu với khoảng từ 36-40 giờ công và từ 30 – 60 phút giải lao.

Theo khảo sát từ destatis.de, năm 2019, số người Đức làm việc toàn thời gian có số giờ làm trung bình là 41 giờ mỗi tuần. Các cấp quản lý và những người kinh doanh tự do được ghi nhận có số làm việc dài nhất.

Làm việc bán thời gian (Teilzeitarbeit) ở Đức

Theo luật, người có thời gian làm việc dưới 30 giờ mỗi tuần được tính là bán thời gian. Bạn có thể yêu cầu giảm giờ làm việc mỗi tuần với công ty khi đã làm việc tại công ty đó ít nhất 6 tháng miễn là công ty đó có nhiều hơn 15 lao động.

Ngày nay, thống kê cho thấy có khoảng hơn 15 triệu người Đức đang làm việc bán thời gian, gấp đôi so với 20 năm trước đây. Một trong các lý do của việc này là ngày càng có nhiều phụ nữ hoặc thậm chí là đàn ông có con muốn quay sang làm việc bán thời gian vì tính chất tự do, linh hoạt và dễ chia sẻ công việc hơn.

Có ngoại lệ nào không?

Vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ cho Đạo luật giờ làm việc này. Cụ thể hơn, những ngành nghề như nhân viên bệnh viện, nông dân, người làm việc trong ngành khách sạn, vận tải hoặc truyền thông. Những người này có thể làm việc nhiều hơn những vẫn phải bảo đảm bảo ít nhất 10 tiếng nghỉ ngơi mỗi ngày.

Và “hội chứng” chán nghỉ của người Đức

Người Đức đã quá mệt mỏi với việc nghỉ ngơi trong thời gian dài
Khi bạn đã quá mệt mỏi với việc nghỉ ngơi (Nguồn: Internet)

Vốn dĩ Đức là một quốc gia có rất nhiều ngày nghỉ, kèm với đó là các quy định về giờ làm việc, người dân nước Đức đang cảm thấy bức bối với lượng thời gian rãnh rỗi quá nhiều mỗi ngày.

Một luật sư của công ty luật Lutz Abel cho hay: “Nghỉ ngơi liên tục tới 11 tiếng là quá dài, nhiều người đã kiểm tra email công việc trong khoảng thời gian này do quá chán”.

Một kết quả khảo sát của Hiệp hội kỹ thuật số Bitkom, Đức vào 2019 cho thấy, có đến 96% những người tham gia phàn nàn rằng các quy định Feierabend quá cứng nhắc. Họ yêu cầu được thay đổi và linh hoạt thời gian nghỉ để phù hợp với từng công việc và cuộc sống của mỗi người.

Với sự phát triển tiên tiến của công nghệ ngày nay, người lao động Đức có thể dễ dàng làm những công việc mà không cần đến văn phòng.

Luật pháp vẫn phải được tôn trọng và tuân thủ

Ngày nay, có khá nhiều người không quá quan tâm đến quy định giờ làm việc này. Dù có bị phát hiện vi phạm, phần lớn các công ty cũng chỉ bị nhắc nhở và khiển trách rất nhẹ.

Hãy luôn tôn trọng pháp luật nhé!
Dù sao đi nữa, hãy tôn trọng và tuân thủ pháp luật (Nguồn: Internet)

“Thực tế, từ lâu nay, mọi người vẫn cố gắng lách luật”, Adél Holdampf-Wendel, chuyên gia luật lao động khẳng định. “Một số người muốn có thêm thời gian rảnh buổi chiều để lo các chuyện lặt vặt, chẳng hạn như chăm con, sau đó làm bù vào buổi tối. Số khác lại muốn thảo luận công việc khuya với đồng nghiệp, để hôm sau có thể đi làm muộn hơn”.

Việc nới lỏng các quy tắc Feierabend tuy có thể khiến người lao động Đức “dễ thở” hơn những cũng đồng thời khiến họ có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động.

Du sao thì, Feierabend được lập ra nhằm nâng cao quyền lợi của người lao động, bảo vệ họ khỏi các rủi ro bóc lột và giữ họ an toàn trước những cơn nghiện làm việc. Theo BAUA, nhiều lao động cho hay, họ cảm thấy bị kiệt sức, mất ngủ và đau lưng,… sau khi thường xuyên nghỉ ngơi ít hơn 11 giờ mỗi ngày.

“Tuân thủ quy định giờ nghỉ ngơi rất cần thiết, nhất là trong thời đại số hóa ngày nay, khi điện thoại thông minh, máy tính xách tay nhan nhản khắp các ngả” – David Markworth, chuyên gia pháp lý kết luận. “Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào bảo vệ công nhân viên khỏi nguy cơ bị chủ lao động, và nhất là bị chính mình lạm dụng”.​

Hãy truy cập website để xem thêm các tin tức khác.

Theo dõi fanpage để nhận thông tin ưu đãi các khóa học chứng chỉ tiếng Đức nhé!

Bài viết liên quan