Kulturschock – Sốc văn hóa?

Kulturschock (sốc văn hóa) là từ người Đức dùng khi bạn đặt chân đến 1 vùng đất mới và cảm thấy choáng ngợp trước sự khác biệt về văn hóa ở nơi đây. Để giúp các bạn dễ thích nghi hơn với cuộc sống ở Đức, WBS TRAINING sẽ giới thiệu với các bạn một số thói quen cũng như các tục lệ của người Đức qua bài viết dưới đây.

  1. “Hallo das ist ein Fahrradweg” – Nếu bạn lỡ đứng hoặc đi bộ trên phần đường dành cho xe đạp thì đây có thể là câu nói bạn ngay lập tức nhận được với tông giọng khó chịu. Ở Đức có 1 đường riêng dành cho xe đạp vì đối với họ xe đạp cũng là 1 phương tiện quan trọng như ô tô và tàu điện. Người Đức sử dụng xe đạp rất nhiều, họ có thể đạp xe đi làm, đi tập thể dục hay đi chợ mua đồ. Chính vì vậy những ngày đầu đến Đức bạn nhớ chú ý đi đúng phần đường dành cho người đi bộ nhé!
  2. “Pünklichkeit” – Có thể các bạn đã nghe rất nhiều về tính kỷ luật và đúng giờ của người Đức. Họ không chỉ là những người luôn đúng giờ mà họ còn rất trông đợi bạn phải đúng giờ với họ. Chính vì vậy nếu bạn có hẹn với ngân hàng, sở ngoại kiều, đi học hay thậm chí hẹn bạn bè thì cũng nên luôn luôn đúng giờ nhé.
  3. “Sonntag – heiliger Tag” – Từ năm 1919 Đức đã ban hàng quy định các cửa hàng không được mở cửa chủ nhật. Lí do của quy định này là vì người Đức xem ngày chủ nhật là ngày để nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa trời, ngoài ra họ còn lấy ngày này để đền đáp nỗ lực làm việc trong tuần của những người lao động. Chính vì vậy bạn nên chuẩn bị sẵn đồ ăn cho ngày chủ nhật, vì nếu bạn quên thì sẽ chỉ còn những siêu thị hay cửa hàng ở trong bên tàu hoặc trạm xăng là còn mở cửa để bạn mua sắm.

  4. “Einkaufstasche” – Ở Đức khi bạn đi siêu thị họ sẽ không phát túi nilon cho bạn như ở Việt Nam. Người Đức rất chú trọng việc bảo vệ môi trường nên để hạn chế việc dùng túi nilon họ sẽ không phát miễn phí mà bạn phải mua nó. Chính vì vậy khi đi chợ bạn nên mang theo túi vải hoặc balo để có thể sử dụng nhiều lần, vừa để tiết kiệm và cũng để bảo vệ môi trường.

  5. “Flaschenpfand” – Có lẽ bạn sẽ thấy lạ lẫm với việc trả “Pfand”. Khi bạn uống hết nước đóng chai mua ở siêu thị thì đừng vội vứt vỏ chai đi. Nếu vỏ chai của bạn có kí hiệu trả “Pfand” nghĩa là bạn có thể lấy lại tiền cọc chai khi đem chúng đến trả tại những máy trả “Pfand” của siêu thị. Số tiền cọc này thường là 25 cent/ vỏ chai nhựa và 8 cent cho vỏ chai bia.

  6. “Alles Gute schonmal zum Geburtstag” – Ở Việt Nam có thể việc chúc mừng hay tổ chức sinh nhật sớm là điều bình thường nếu điều đó thuận tiện hơn với bạn, tuy nhiên đối với người Đức thì việc chúc mừng sinh nhật sớm là điều cấm kị, họ quan niệm rằng chúc mừng sớm sẽ đem lại những điều không may mắn.

  7. “Bargeld” – Hiện nay việc thanh toán bằng thẻ đã rất phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới, tuy nhiên người Đức vẫn thích sử dụng tiền mặt hơn. Chính vì vậy khi đi ra ngoài bạn vẫn nên cầm theo 1 ít tiền mặt vì không phải mọi hàng quán ở Đức bạn có thể thanh toán bằng thẻ. Đặc biệt là khi đi ăn nhà hàng bạn nên để 1 chút tiền lẻ để “bo” cho phục vụ bàn – đây cũng là 1 trong những thói quen của người Đức khi đi ăn ở quán.

Bài viết liên quan