“Übung macht den Meister” (có công mài sắt có ngày nên kim), ai học tiếng Đức hẳn cũng biết câu thành ngữ này. Đó cũng là lời nhắn nhủ của TS. Lê Hoài Ân – diễn giả đặc biệt chương trình “Cùng WBS chuẩn nét tương lai” số đầu tiên với chủ đề Xoá tan rào cản nói tiếng Đức diễn ra chiều thứ bảy 26/12 tới đây tại Hội trường 304 – Trụ sở WBS Training Vietnam.
Không ai có tự nhiên mà giỏi ngay được cả và buổi đầu làm quen với một ngôn ngữ mới luôn có những bỡ ngỡ, sự cố nhớ đời… Những chia sẻ của thầy Ân về thời trẻ cũng như cơ duyên của thầy với môn tiếng Đức, kinh nghiệm học của thế hệ thầy khi xưa… sẽ là nguồn động lực của các bạn trrẻ ngày nay.
Thưa thầy, thầy có thể chia sẻ lý do vì sao chọn tiếng Đức và gắn bó suốt từ đó đến nay?
Tiếng Đức đến với tôi một cách tình cờ. Năm 1986, tôi đang học năm thứ 1 ở một trường quân sự ở Vĩnh Yên thì được gọi đi khám sức khỏe đi du học quân sự: năm đó là đi Nga. Không hiểu do hồi hộp hay là do “duyên phận” mà năm đó tôi không đủ sức khỏe đi Nga.
Sang năm thứ 2, năm 1987, tôi lại được gọi đi khám sức khỏe lần nữa và lần này thì đủ sức khỏe đi học quân sự ở châu Âu và là đi Đức (hồi đó là đi Cộng hòa Dân chủ Đức). Thế là chúng tôi, những người được lựa chọn từ các trường quân sự trong cả nước, tập trung ở Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự (hồi đó đặt ở Bình Đà, Hà Sơn Bình cũ) để học tiếng Đức chuẩn bị cho du học Đức.
Thầy có kỷ niệm vui nào khi còn là tân sinh viên hay khi mới học tiếng Đức không ạ?
Sau khi học tiếng Đức 6 tháng ở Việt Nam, năm 1988, chúng tôi sang thị trấn Naumburg (bên dòng sông Saale thơ mộng), tiếp tục học tiếng Đức một năm nữa trước khi chính thức học đại học. Sau mỗi buổi học ở trường, chúng tôi đều ra phố để “thử chém gió” xem người Đức có hiểu mình nói gì không.
Có lần chúng tôi, một nhóm 3 cậu con trai lộc ngộc tầm 19, 20, vào một cửa hàng nhỏ bán thực phẩm và hỏi mấy cô bán hàng còn tương đối trẻ: Haben Sie noch Milch? (các chị còn sữa không?) Mấy cô bán hàng cười phá lên và trả lời: Natürlich haben wir noch Milch (tất nhiên là chúng tôi còn sữa rồi). Họ cười, một phần vì muốn trêu đùa chúng tôi, nhưng một phần cũng là vì câu hỏi của chúng tôi có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Để không gây hiểu lầm, cần phải hỏi thật rõ là: Haben Sie hier im Laden noch Milch? hoặc gibt es hier noch Milch? (ở cửa hàng có còn sữa không ạ?). Và còn biết bao những tình huống khác nữa mà tôi còn nhớ mãi vì đó là những kỷ niệm tươi đẹp nhất, đáng nhớ nhất của tôi. Sau này, biết bao lần sang Đức, học dài hạn cũng có, ngắn hạn cũng có, nhưng thời gian học tiếng Đức một năm ở Naumburg vẫn làm cho tôi bồi hồi mỗi khi nhớ lại: những kỷ niệm thật trong trẻo, những kỷ niệm tuổi 20!
“Vạn sự khởi đầu nan”, chắc hẳn ai cũng sẽ có những khó khăn khi bắt đầu học tiếng Đức, vậy bản thân thầy Ân đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào, thưa thầy?
Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy tôi đã rất may mắn được sự đùm bọc yêu thương của các thầy cô người Việt và người Đức. Chính các thầy cô, với tinh thần trách nhiệm của mình, đã giúp tôi vượt qua nỗi “sợ hãi” một thứ tiếng mới lạ. Bí quyết thành công của tôi rất đơn giản: “Übung macht den Meister” (có công mài sắt có ngày nên kim). Tôi còn nhớ mãi, những buổi ngồi một mình đọc đi, đọc lại một cấu trúc hàng chục, hàng trăm lần. Nhiều người cứ nói là “học mang lại niềm vui”. Tôi chỉ đồng ý phần nào với ý kiến này. Việc học có vui, nhưng việc học là một quá trình “đầy đau khổ”. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết: “Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Sống ở trên đời người cũng vậy. Gian nan rèn luyện mới thành công.”
So với việc học tiếng Đức trong thế hệ trước, thầy nhận thấy việc học tiếng Đức của thế hiện trẻ ngày nay có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ngày trước, chúng tôi rất thiếu sách, đặc biệt là trong giai đoạn học tiếng Đức ở Việt Nam. Còn nhớ hồi đó tôi chỉ có một cuốn từ điển Đức – Việt mini, khoảng vài nghìn từ. Vì thế mà chúng tôi viết rất nhiều để học từ và có thời kỳ tôi gần như thuộc lòng cuốn từ điển đó. Do viết nhiều, cho nên vốn từ của chúng tôi không nhiều, nhưng rất vững và khi có cơ hội sang học ở Đức thì năng lực tiếng của chúng tôi lên rất nhanh.
Các bạn trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho việc học ngoại ngữ nói chung và học tiếng Đức nói riêng, ví dụ có nhiều thầy giỏi, nhiều chuyên trang và diễn đàn học tiếng Đức. Nếu biết tận dụng hiệu quả những kênh học tập này thì việc học tiếng Đức nhất định thành công.
Một khó khăn rất lớn hiện nay là do có quá nhiều kênh thông tin, kênh giải trí trên mạng nên một số bạn bị phân tâm trong quá trình học tập. Theo quan sát của tôi, nhiều bạn học tiếng Đức hiện nay không chịu khó học viết từ, viết cấu trúc ra giấy mà chủ yếu tra cứu trên internet. Vì vậy nhiều bạn thiếu vốn từ, gặp nhiều khó khăn khi viết và nói tiếng Đức. Thiếu từ vựng, yếu cấu trúc dẫn đến phản ứng rất chậm khi giao tiếp… Và còn biết bao điều khác nữa cần phải trao đổi, thảo luận sâu hơn để có những giải pháp phù hợp.
Thầy nghĩ sao về việc lựa chọn du học nghề tại Đức của các bạn trẻ hiện nay?
Du học nghề hiện nay là cơ hội cho nhiều bạn trẻ. Nếu biết tận dụng tốt cơ hội này thì nhiều bạn trẻ sẽ có một nghề nghiệp ổn định, có thu nhập ổn định để lo cho bản thân và gia đình, bởi vì “nghệ có tinh thì thân mới vinh” (nhất nghệ tinh, nhất thân vinh).
Đây cũng là cơ hội để các bạn được đặt chân đến một vùng đất mới, được làm quen với một nền văn hóa mới, được vươn ra thế giới và được mở rộng tầm mắt để thỏa chí tung hoành của tuổi trẻ. Vì vậy, nếu bạn nào đã chọn được cho mình một nghề nghiệp phù hợp rồi thì hãy tập trung học tiếng Đức cho tốt để ước mơ của mình nhanh trở thành hiện thực. Bởi vì ước mơ không bao giờ trở thành hiện thức nếu chúng ta không nỗ lực mỗi ngày. Đó cũng chính là thông điệp của các tác giả cuốn sách “Quà tặng cuộc sống”: “[…] Mỗi người đều có một ước mơ riêng cho mình. Có những ước mơ nhỏ nhoi như của cô bé bán diêm trong truyện cổ An-đéc-xen: một mái nhà trong đêm đông giá buốt. Cũng có những ước mơ lớn lao làm thay đổi cả thế giới như của tỷ phú Bill Gates. Mơ ước khiến chúng ta trở nên năng động một cách sáng tạo. Nhưng chỉ mơ thôi thì chưa đủ. Ước mơ chỉ trở thành hiện thực khi đi kèm với hành động và nỗ lực thực hiện ước mơ… Tất cả chúng ta đều phải hành động nhằm biến ước mơ của mình thành hiện thực. […]” (Quà tặng cuộc sống – Thu Quỳnh và Hạnh Nguyên dịch, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr.56-57).