Du học nghề Điều dưỡng – Một ngày làm việc của điều dưỡng viên tại Đức như thế nào?

Du học nghề điều dưỡng ở Đức sau khoảng 3 năm, bạn sẽ có cơ hội trở thành chuyên viên điều dưỡng cao cấp với một mức lương và cuộc sống ổn định tại nước Đức xinh đẹp. Nếu bạn còn băn khoăn về một ngày làm việc của điều dưỡng viên sẽ như thế nào thì đừng chần chờ nữa, cùng WBS tham khảo ngay bài viết sau nhé!

Lưu ý: Bài viết sau đã được sự đồng ý sử dụng nguồn tư liệu từ bạn Mai Anh – điều dưỡng chuyên nghiệp tại viện lão Seniorenzentrum St. Engelbert Brilon thuộc bang Nordrhein-Westfalen, Đức (xem thêm). Lịch làm việc tại các viện sẽ tương đối khác nhau nên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.

Điều dưỡng viên – Những công việc hàng ngày

Như đã biết, với tư cách là một chuyên viên điều dưỡng, bạn sẽ cần chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân của mình vào mọi thời điểm trong ngày. Cụ thể, một ngày làm việc của điều dưỡng viên tại Đức sẽ chia thành ba ca sáng, tối, đêm. Ca sáng sẽ bắt đầu vào lúc 6:30 và kết thúc vào 15:00 (cùng thời gian nghỉ ngơi). Ca tối bắt đầu vào 13:45 và kết thúc lúc 21:30. Sau cùng là ca đêm. Cùng WBS và Mai Anh điểm qua các công việc cụ thể của một ca nhé!

Mai Anh - điều dưỡng chuyên nghiệp của viện Seniorenzentrum St. Engelbert Brilon (Nguồn: Mai Anh)
Mai Anh – điều dưỡng chuyên nghiệp của viện Seniorenzentrum St. Engelbert Brilon (Nguồn: Mai Anh)
Ca sáng (6:30 – 15:00)
  • 6h30: Bắt đầu ca sáng, với vai trò là một Schichtleiterin (người quản lý ca sáng ngày hôm đó), Mai Anh sẽ cầm điện thoại chính để nhận các cuộc gọi quan trọng trong ca, nhận chìa khoá tủ thuốc BTM, bàn giao ca với đồng nghiệp ca đêm, kiểm tra lại ca tối hôm trước và ca đêm có gì đặc biệt, cần lưu ý điều gì và cần phải làm gì vào sáng ngày hôm nay. Thông thường, bạn chỉ tốn khoảng 10 phút cho việc này nếu không có gì đặc biệt.
  • 6h40: Chuẩn bị thuốc buổi sáng cho các cụ. (Thuốc ở Seniorenzentrum St. Engelbert Brilon sẽ được hiệu thuốc chuẩn bị và chia sẵn theo giờ, theo ngày, việc của bạn là chỉ cần xếp đúng vào ô thuốc tên các cụ, tránh nhầm lẫn). Thuốc dạng nước và 1 số thuốc phải chia đôi viên thuốc (theo liều bác sỹ kê) sẽ cần bạn tự xếp thuốc riêng tại phòng thuốc.

“Sau khi chuẩn bị xong thuốc thì mình sẽ đi phát luôn, để tránh lúc sau nhiều việc quên mất chứ giờ phát thuốc đúng là 7:30 – 8:00 đấy nhé. Các cụ trong tầng của mình gồm 21 cụ, thì 70% là khỏe và có thể tự uống thuốc được nên chỉ cần đặt lên bàn ăn, đúng vị trí các cụ ngồi là được. Sẽ có đồng nghiệp chuẩn bị đồ ăn sáng cho các cụ ở bếp và họ sẽ để ý giúp các cụ nào đã uống thuốc và chưa uống sau bữa ăn sáng.” – Mai Anh chia sẻ.

  • 6h50-7h: Đây là khoảng thời gian mà bạn sẽ dùng để sắp xếp công việc, phân chia khu vực và bệnh nhân cần chăm sóc cho các đồng nghiệp. “Tính mình cũng khá thoải mái nên thường sẽ để các đồng nghiệp họ tự do chọn lựa” – Mai Anh cho hay.
  • Từ 7h-9h: Đây là thời gian mà mình giúp các cụ làm vệ sinh cá nhân. Một số cụ khỏe mạnh thì mình chỉ cần vào phòng chào hỏi buổi sáng hay giúp gọi họ dậy và hỗ trợ các công việc như gấp chăn, dọn dẹp phòng gọn gàng. Các cụ nặng hơn sẽ dùng xe lăn, các cụ không có khả năng vệ sinh thì mình sẽ hỗ trợ. Chủ yếu sẽ là giúp các cụ rửa mặt, vệ sinh răng miệng, lau người, thay bỉm cho đến mặc quần áo, chải tóc và giúp các cụ trông thật gọn gàng và sạch đẹp. Một lưu ý nho nhỏ: thường xuyên trò chuyện với các cụ cũng như tìm hiểu qua thông tin của các cụ sẽ giúp công việc của bạn vừa dễ dàng và vừa thú vị hơn nhiều đấy.
  • Từ 9h-10h: Vào khoảng thời gian này, các bạn sẽ cần phải hướng dẫn hoặc đưa các cụ đến phòng ăn sáng cũng như nhắc nhở các cụ uống thuốc mà bạn đã đặt sẵn trên bàn để tránh các cụ quên mất. Một số cụ không có khả năng ăn uống có thể sẽ cần đến Essen und Trinnken anreichen (đại khái là bón thức ăn cho các cụ).
  • Đến 10h: Các cụ có thể đã ăn sáng xong và sẽ có người đến chơi cùng các cụ nên đây là khoảng thời gian mà bạn sẽ quay về phòng làm việc chung để làm các công việc khác như:
  1. Gọi điện cho phòng khám, bác sỹ để thông báo về tình trạng bệnh nhân (thường là những trường hợp đặc biệt hoặc nếu tình hình bệnh nhân trở xấu), hỏi bác sỹ những việc cần làm, họ có đưa ra giải pháp gì hay không và thực hiện theo hướng dẫn. Trường hợp bác sỹ có kê đơn thuốc mới, bạn sẽ cần gọi cho hiệu thuốc để thông báo và họ sẽ chuyển thuốc đến viện, sau đó mình gửi kèm lại cho họ đơn bác sỹ đã kê cho hiệu thuốc.
  2. Những thuốc thường ngày, mỗi thứ 6 hàng tuần bên hiệu thuốc sẽ chuyển đến. Bạn sẽ cần kiểm tra số lượng thuốc có đúng với các cụ không hoặc có chú ý gì khác không là được. Một số thuốc bạn phải tự xếp riêng hàng ngày thì mỗi thứ 5 hàng tuần mình sẽ kiểm tra lại, nếu thuốc nào sắp hết, hãy viết lại và gửi cho bên hiệu thuốc. Họ sẽ chuyển đến sau.
  3. Liên hệ với người nhà các cụ, khi các cụ bị ngã, tình trạng sức khỏe xấu đi, hoặc các cụ cần thêm đồ dùng mới.
  4. Trực điện thoại: thấy điện thoại đổ chuông là nghe nha, đừng tắt máy vì sợ. Mình sẽ nghe xem họ là ai, nói gì và nếu quan trọng thì mình ghi lại để còn bàn giao với ca chiều.
  5. Đánh dấu những công việc đã làm trong buổi sáng trên máy tính. Ghi chú lại các điều đặc biệt vào phần Berichten trong máy tính.
  6. Xử lý công việc xong, bạn cần đi chuẩn bị thuốc cho buổi trưa.
  • 10h30-11h: Hãy thư giãn và nghỉ ngơi thật tốt chuẩn bị cho buổi chiều.
  • Từ 11h-11:20: Mọi người sẽ giúp các cụ đi vệ sinh hoặc thay bỉm mới nếu cần thiết. Đồng thời, các điều dưỡng viên cũng sẽ nhắc nhở hoặc hỗ trợ đưa các cụ đến phòng ăn trưa.
  • 11h30-12h30: Đây là khoảng thời gian các cụ dùng bữa trưa, là một điều dưỡng viên, bạn sẽ cần giúp các cụ phát thuốc cũng như hỗ trợ cho các cụ dùng bữa tương tự như buổi sáng.
  • 12h30-13h15: Bạn sẽ đưa các cụ về phòng nghỉ ngơi. Cụ nào ngồi xe lăn cả buổi sáng rồi thì mình sẽ cho cụ đó lên giường nằm nghỉ ngơi. Còn cụ nào không muốn về phòng thì bạn hãy đưa các cụ ra khu yên tĩnh, ngồi trên Sofa và đọc báo hoặc nghe Radio.
  • 13h15-13h20: Bạn hãy chuẩn bị các loại thuốc cho buổi tối. Khi đồng nghiệp ca sau đến, họ chỉ cần chuẩn bị như là thuốc dạng nước (Tropfen) và thuốc cho ca đêm là được.
  • 13h30-13h45: Mình dành ra 15 phút để đánh dấu công việc đã làm trong buổi trưa trên máy tính. Nếu có gì đặc biệt thì tương tự, hãy viết thêm vào phần Berichten.
  • 13h45-14h: Bàn giao ca với đồng nghiệp ca chiều, chia sẻ xem hôm nay có gì đặc biệt, cần lưu ý và công việc gì ca chiều nên làm. Đưa điện thoại và chìa khoá tủ BTM cho ca chiều. Và thế là Feierabend!

***Lưu ý: Betäubungsmittel – là các thuốc giảm đau được quản lý chặt chẽ như là Morphin, Buprenorphin, Dronabinol, Fentanyl, Methadon, Methylphenidat, Morphin, Opium, Pentazocin und Tilidin. Đây là các thuốc mà chỉ các Fachkräfte, tốt nghiệp 3 năm học nghề mới được giữ. Mỗi lần giao chìa khoá hoặc chia thuốc, bạn phải xác nhận đúng số lượng rồi mới ký. Nếu sai hoặc thiếu thuốc, bạn sẽ không muốn phải chịu trách nhiệm đâu nhé! Nhẹ thì bị trừ tiền, nặng thì mất chức Fachkraft, nên mọi người hãy chú ý điều này với ai muốn học và làm ngành Điều dưỡng nhé!

Mai Anh chia sẻ thêm: “Mình khá yêu thích công việc ca sáng vì nó lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và thật sự dễ chịu, ca tối cũng rất thoải mái vì lượng công việc ít hơn. Tuy nhiên, mình chưa từng làm qua ca đêm sau 4 năm học tập và làm việc ở Đức nên chưa có kinh nghiệm. Mình mong sẽ sớm được thử sức với ca trực đêm tại viện. Mình đoán là công việc sẽ ít hơn nhưng chắc hẳn cũng không đơn giản đâu nhỉ?”

Vậy, chúng ta sẽ phải làm gì trong ca tối?

Ca tối (13:45-21:30)

Thật ra, giờ làm việc sẽ là 14:00 đến 21:30. Tuy nhiên, là một Pflegefachkraft thì việc đến trước 15 phút để nhận bàn giao từ ca trước sẽ giúp bạn thoải mái và dễ dàng hơn trong công việc đúng không nào?

“Ca chiều có lượng công việc ít hơn và tầng mình làm có 21 cụ nên chỉ có 1 Pflegefachkraft và 1 Pflegehelfer thôi” – Mai Anh chia sẻ.

  • 13h45: Vẫn đảm nhiệm công việc Schichtleiterin (quản lý ca chiều), bạn sẽ nhận bàn giao của ca sáng, nhận chìa khoá tủ thuốc BTM, điện thoại của Fachkraft ca sáng, ký sổ giao nhận chìa khoá tủ thuốc BTM. Hãy luôn luôn giữ chìa khóa bên người nhé. Dành ít thời gian để nghe ca sáng chia sẻ, xem có gì đặc biệt của buổi sáng không, có điều gì cần chú ý và mình cần phải xử lý công việc gì buổi chiều.
  • 14h-14h30: Thông báo và hỗ trợ các cụ đi ra phòng ăn, có cà phê và bánh ngọt cho buổi chiều. Cụ nào buổi trưa ca sáng cho lên giường nằm thì mình sẽ kiểm tra bỉm xem còn khô hay không, nếu không thì thay cái mới rồi cho các cụ ra ngồi xe lăn. Đưa ra phòng ăn.
  • 14h30-15h30: Giờ ăn bánh ngọt và uống cà phê buổi chiều. Mình hỗ trợ các cụ trong việc ăn uống. Pflegehelfer sẽ chịu trách nhiệm chia bánh ngọt và cà phê, dọn dẹp phòng bếp khi các cụ ăn xong.
  • 15h30-16h30: Là giờ nghỉ ngơi, giải trí của các cụ nên mình không cần trông.
  • 15h30-16h00: Mình sẽ ở trong phòng làm việc chung, đánh dấu những gì đã làm buổi chiều vào máy tính, có gì đặc biệt thì lại viết vào phần Berichten trong máy tính. Chuẩn bị thuốc cho buổi tối và ca đêm luôn. Giải quyết vấn đề ca sáng giao, hầu như là gọi điện đến phòng khám gặp bác sỹ riêng của bệnh nhân, trao đổi vấn về. Nếu mình không gọi được cho họ thì sẽ viết và gửi qua Fax cho phòng khám.
  • 16h15-17h: Nghỉ giải lao. Nói là nghỉ ngơi nhưng nếu cụ nào ấn chuông 🛎 cần giúp đỡ là mình hoặc đồng nghiệp lại đến phòng cụ đó. Hoặc nếu cần phải chia quần áo mới giặt cho các cụ thì mình và đồng nghiệp cùng làm cho nhanh, chia bỉm, chia khăn tắm, khăn mặt từng phòng 1 (nếu ca sáng chưa làm thì ca chiều nên làm nha). Việc chia đồ với cương vị của mình thì không cần thiết phải làm nhưng nếu rãnh, hãy cùng làm chung nhé. “Tính mình là không có câu nệ việc của ai, cứ có thời gian thì mình làm, nên được đồng nghiệp cực quý” – Mai Anh chia sẻ.
  • 17h-17h30: Là giờ chia thuốc buổi tối đầu tiên. Sau đó, bạn sẽ đi hò reo mời các cụ đến phòng ăn để ăn tối (mình đùa đấy chứ thật ra là cực kỳ lễ phép và lịch sự mời các cụ ra nhé). Ngoài ra, bạn sẽ cần phải để ý xem các cụ đã uống đúng thuốc của mình chưa. Buổi tối cũng sẽ có người chuẩn bị đồ ăn và dọn dẹp bếp riêng.
  • 17h30-18h30: Giờ ăn tối của các cụ, lại giúp đỡ các cụ ăn uống. Thật là chán nhỉ? Nhưng nếu bạn là một người lạc quan và tràn đầy năng lượng, hãy xem các cụ như người thân trong gia đình (dù một số cụ cực kỳ khó chiều và khó tính) thì công việc này ngược lại sẽ rất vui và nhiều ý nghĩa nữa đấy.
  • 18h30-20h: Cụ nào đã ăn xong trước thì hãy đưa họ về phòng, cụ nào khỏe sẽ tự thay quần áo, bạn chỉ cần vào xem thử cụ đó đã thay đồ ngủ hay chưa mà thôi. Đối với các cụ không tự thay được, đừng ngại giúp đỡ họ thay đồ và mặc đồ ngủ nhé. Quần áo mặc ban ngày của các cụ bẩn thì sẽ được gộp chung lại để ngày hôm sau mang đi giặt. Vệ sinh răng miệng, vệ sinh cơ thể của các cụ lần nữa, thay bỉm và mặc quần áo ngủ cho các cụ, rồi đưa các cụ lên giường. Chúc các cụ ngủ ngon thôi nào. (Đối với viện của mình, mỗi phòng đều có máy nâng nếu bạn cần hỗ trợ, vì vậy, hãy an tâm giúp đỡ các cụ ngủ thật ngon nhé. À mà thường thì mình đều có thể tự nâng các cụ hết đấy. Mình cũng khỏe lắm chứ nhỉ)
  • 20h-20h15: 20h là lúc các đồng nghiệp hết giờ làm, trước đó họ sẽ báo cáo lại nếu có điều gì đặc biệt. Sau đó, mọi người sẽ ra về. Còn lại mỗi 1 mình trong màn đêm tĩnh lặng (cũng hơi hơi sợ í). Mình sẽ lại chuẩn bị các phần thuốc cho buổi sáng ngày hôm sau, chủ yếu là xếp thuốc ra khay thôi. Sau đó lại ngồi vào bàn máy tính ấn ấn những công việc đã làm, có vấn đề gì đặc biệt thì lại viết vào phần Berichten.
  • 20h15-21h: Dành chút thời gian trước khi về để đi kiểm tra từng phòng xem các cụ ngủ chưa, có bị ngã hay gặp vấn đề gì không. Những cụ nào bị liệt mà không thể cử động được thì mình kiểm tra lại bỉm xem có còn khô hay không, nếu ướt thì thay, rồi để các cụ nằm nghiêng trái, phải hoặc nằm thẳng (Lagerung) theo bảng đánh dấu có sẵn trong phòng (Bảng đó được gọi là Bewegungsprotokoll). Những cụ nào có thuốc phải uống lúc 21h thì mình mang vào phòng cụ đó, đưa thuốc cho cụ đó uống. Sau đó, hãy nhớ rằng bạn phải chúc các cụ ngủ ngon lần nữa nha!
  • 21h-21h15: Bạn nên kiểm tra máy tính lần nữa, vì viện mình xếp công việc theo khung giờ, đến đúng khung giờ cố định mới có thể đánh dấu là đã làm. Ngồi nghĩ lại xem có gì đặc biệt cần nói với ca đêm không và chờ ca đêm đến. Nếu viện các bạn nhiều việc thì nên viết ra tờ giấy những gì quan trọng cần trao đổi với ca đêm để tránh quên xót nhé!
  • 21h15-21h30: Bàn giao cho ca đêm. Đưa điện thoại và chìa khoá tủ thuốc BTM cho ca đêm. Lên đường về nhà và tự thưởng cho mình một chút gì đó ấm áp nhé!
Mai Anh - Điều dưỡng chuyên nghiệp tại viện Seniorenzentrum St. Engelbert Brilon (Nguồn: Mai Anh)
Mai Anh – Điều dưỡng chuyên nghiệp tại viện Seniorenzentrum St. Engelbert Brilon (Nguồn: Mai Anh)

Trên đây là danh sách công việc cụ thể hàng ngày của một điều dưỡng viên cấp quản lý mà bạn Mai Anh đã chia sẻ. Hi vọng danh sách này phần nào giúp các bạn hình dung được công việc của mình sau này khi đăng ký du học nghề điều dưỡng ở Đức. Bạn thấy đấy, điều dưỡng viên tại Đức không phải là một công việc khô khan và mệt mỏi. Trái lại, đây là một công việc cực kỳ thú vị và đầy tính thử thách (theo ý kiến của Mai Anh và cả WBS nhé) nếu các bạn hiểu được cách thức và biết cách cân bằng công việc. Bí quyết là hãy tìm hiểu thông tin và trò chuyện thật nhiều với bệnh nhân của mình, bên cạnh đó là việc chia sẻ cả cuộc sống của bạn với họ.

Bạn không dám trò chuyện vì không chắc chắn với vốn tiếng Đức của mình ư? Đừng lo lắng!!! Hãy đến với WBS Training Vietnam từ bây giờ để hoàn thiện ngay cho mình những kiến thức cơ bản thật vững chắc với các lớp tiếng Đức đa dạng nhé! (Liên hệ với team WBS ngay đây nè! Hoặc xem thêm các bài viết khác ở đây nha!

Bài viết liên quan

Nhân viên bán hàng

Ngành nhân viên bán hàng tại Đức là một lĩnh vực rất phát triển và có nhiều cơ hội việc