Du học nghề Đức – 20 điều lưu ý khi đến Đức

Du học nghề Đức đã và đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết do tình trạng thiếu thốn nhân lực trầm trọng tại quốc gia này. Gần đây, WBS Training Vietnam cũng đã liên tục đưa tiễn nhiều học viên của mình đến với nước Đức xinh đẹp – quốc gia của những lâu đài trong cổ tích, qua các chương trình du học nghề khác nhau. Các bạn hẳn sẽ có rất nhiều điều bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến quốc gia này.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn, hãy cùng WBS Training Vietnam khám phá ngay về 20 điều lưu ý khi bạn đặt chân đến Đức qua bài viết sau nhé!

Đừng vứt rác…!

Ở nhà, chúng ta thường gom tất tần tật mọi loại rác vào túi nylon và cho vào thùng.

Nếu bạn vẫn “kiên trì” với việc gom rác vào cùng một chỗ, bạn có thể nhận được các biên bản phạt hành chính hoặc thậm chí là bị đuổi khỏi nơi ở đấy. Hãy đọc tờ thông báo thường được dán tại tầng 1 ở nơi mà bạn sống để hiểu rõ về quy định cụ thể mỗi nơi nhé.

Thông thưởng ở Đức, thùng rác sẽ được chia thành các loại cơ bản sau:

Phân loại rác ở Đức
Một số loại thùng rác tại Đức (Nguồn: Internet)

Biomüll hay rác thải hữu cơ được đựng trong các thùng có màu nâu gồm các loại rác hữu cơ có thể phân hủy. Ví dụ: các loại rác từ thức ăn nhà bếp, vỏ các loại hạt, bã cà phê và chè, đến lá cây rụng trong vườn, cỏ,… Các loại chất lỏng, đầu mẩu thuốc lá hoặc bỉm trẻ nhỏ KHÔNG được vứt vào rác Bio.

Restmüll hay rác sinh hoạt sẽ được đựng trong các thùng màu đen, các loại rác này sẽ khó phân hủy nhưng không chứa chất độc hại như tàn thuốc lá, tro, túi rác lấy ra từ máy hút bụi, đầu mẩu thuốc lá, các mẩu cao su thừa, băng gạc vệ sinh, bỉm trẻ em, sản phẩm làm từ da và đồ giả da…

Gelbe Tonne/Gelber Sack là túi hoặc thùng rác vàng có thể chứa các loại chất dẻo như túi ni-lông, đồ hộp/lon rỗng, hộp đựng nước (Tetrapacks)

Papiertonne là thùng rác có màu xanh lam và chỉ dùng để chứa các loại rác có nguồn gốc từ giấy như báo, tạp chí cũ, tờ rơi, sách vở, bao bì, bìa cứng,…

Một số loại rác đặc biệt cần mang đến đúng nơi để vứt

a/ Glascontainer thường chia làm 3 màu xanh lá cây, nâu hoặc trắng tương ứng với màu sắc của thủy tinh. Đây là thùng chứa các loại rác thủy tinh từ chai, lọ, đồ đựng mỹ phẩm,… Tại nơi đổ rác tập trung sẽ có hướng dẫn chi tiết bằng hình vẽ và ghi chú nên các bạn cũng đừng quá lo lắng.

b/ Pin: hãy mang chúng ra các siêu thị, cửa hàng có bán pin, cửa hàng điện tử – điện máy,… Các bạn sẽ tìm thấy những chỗ để vứt pin riêng. Hãy hỏi nhân viên nếu không thể tìm thấy nhé.

c/ Các loại rác ngoại cỡ cần được mang đến trung tâm xử lý như Tivi, tủ lạnh, máy giặt, giường, tủ, đệm,… Theo quy định ở một số nơi, bạn có thể sẽ tốn phí hoặc sẽ có một vài ngày trong năm mà bạn sẽ được miễn trừ các phí này. Hãy hỏi rõ về những quy định này tại nơi mà bạn ở.

d/ Quần áo, giày dép cũ còn sử dụng được sẽ không bị đem vứt ngay mà được mang đến bán tại các chợ đồ cũ hoặc đem tặng.

Phân biệt các lane đường nhé

Đường dành cho xe đạp ở Đức
Đừng đi bộ vào làn đường dành cho xe đạp ở Đức (Nguồn: Internet)

Ở Đức thường phân biệt rất rõ ràng làn cho ô tô, làn xe đạp và làn đi bộ.

Các bạn du học sinh của WBS thường hay mắc phải lỗi đi bộ trên làn của xe đạp.

Nếu có lỡ đi nhầm vào làn xe đạp, bạn sẽ được nhắc nhở hoặc thậm chí sẽ có một số người to tiếng với bạn chỉ vì điều này đấy.

Văn hóa đi tàu điện

Văn hóa đi tàu điện ở Đức
Hãy đợi đến lúc mọi người bên trong ra hết nhé (Nguồn: Internet)

Chúng ta sẽ không xông vào ngay khi cửa mở. Hãy đợi tất cả mọi người trên tàu đi ra rồi hãy đi vào.

Vé tàu điện

Bạn sẽ cần phải dập vé sau khi đã mua vé đi tàu hoặc bạn sẽ được xem như “schwazfahren – đi tàu chui” và bị phạt đến 60 Eur đấy nhé. Bạn không thể thanh minh, năn nỉ do “lần đầu” hay “không biết” vì luật là luật mà.

Ngoài ra, nếu đi tàu mà kèm theo xe đạp thì bạn sẽ phải mua cả vé cho xe đạp trừ khi bạn sở hữu các loại xe đạp mini có thể gập lại nhé.

Đừng quên hay làm mất chìa khóa

Hãy cố gắng không bỏ quên hoặc làm mất chìa khóa nhé. Các dịch vụ mở khóa (Schlüsselnotdienst) sẽ rất dễ dàng để bạn tìm thấy nhưng vấn đề là phí dịch vụ cực kỳ đắt đỏ. Mình từng quên chìa khóa trong nhà và phải gọi cho Schlüsselnotdienst với phí dịch vụ là 280 Eur chỉ với 1 cái quẹt (đấy là cửa dễ mở đấy nhé).

Tóm lại, hãy cẩn thận với chiếc chìa khóa!!

Văn hóa giữ cửa

Đây là một nét văn hóa mà mình thấy rất hay.

Người Đức chắc chắn sẽ giữ hoặc thả cửa chầm chậm để người phía sau có thể dễ dàng đi qua thậm chí kể cả khi bạn cách họ gần mười bước chân.

Văn hóa sử dụng thang cuốn

Đừng đứng ở giữa khi sử dụng thang cuốn. Hãy đứng gọn gàng ở hai bên nhé.

Sie – du

Đối với lần đầu tiên gặp mặt, bạn hãy dùng Sie (ngài) thay vì du (bạn). Một số người dễ tính sẽ chẳng mấy quan tâm nhưng những người khó tính sẽ nhắc nhở bạn vì điều này.

Luôn luôn mang theo tiền mặt

Luôn mang tiền mặt
Hãy nhớ luôn mang tiền mặt (Nguồn: Internet)

Có lẽ bạn cho rằng người nước ngoài sẽ chuộng dùng thẻ hơn tiền mặt. Tuy nhiên, ở Đức có rất ít nơi sử dụng thẻ. Tiền mặt được ưa chuộng hơn tại Đức đặc biệt là tiền xu. Bạn sẽ cần đến tiền xu cho các dịch vụ như thuê xe đẩy ở siêu thị (khoảng 50 cent) hoặc từ 1-2 Eur cho các tủ đựng đồ ở thư viện, trường học hay toilet công cộng với khoảng 50 cent đến 1 Eur.

Đừng chen lấn

Người Đức khá là kiên nhẫn. Bạn sẽ không thể thấy cảnh chen lấn khi rút tiền ở ATM hay tiếng còi inh ỏi khi chỉ còn 3 giây đèn đỏ như ở nhà. Nếu bạn muốn vượt hàng để thanh toán trong siêu thị, hãy xin phép và đợi sự đồng ý nhé.

Quyền bảo vệ thông tin cá nhân

Hãy an tâm với thông tin cá nhân của mình. Nếu thông tin của bạn bị tiết lộ cho bên thứ 3 bởi công ty hay doanh nghiệp nào đó mà bạn không đồng ý thì họ sẽ bị phạt rất nặng lên đến hàng triệu đô la.

Thậm chí, ngay cả bạn cũng sẽ bị phạt nếu quay phim người khác mà không được họ đồng ý (đối với trẻ em dưới 12 tuổi thì bạn cần có sự chấp thuận của phụ huynh). Ngoài ra, bạn cũng không được phép chia sẻ thông tin, số điện thoại của bạn bè cho nhau mà không được họ đồng ý đấy.

Check post

Kiểm tra hòm thư thường xuyên (Nguồn: Internet)
Kiểm tra hòm thư thường xuyên (Nguồn: Internet)

Bạn sẽ rất thường xuyên nhận được thư khi sinh sống tại Đức.

Đừng để lỡ chúng!

Có thể bạn sẽ tốn tiền cho những dịch vụ nào đó mà bạn lỡ tay bấm vào nếu bạn quên kiểm tra hộp thư báo của mình.

Hãy nhớ rằng, bạn sẽ được cho là đã đồng ý với các điều khoản trong thư báo nếu không kịp hồi đáp sau hai tuần lễ.

Tất nhiên, nếu bạn có việc đi xa, bạn hoàn toàn có thể tiến hành kiện để được hoàn lại.

Giữ trật tự

Người Đức thể hiện sự tôn trọng của họ qua việc giữ trật tự ở nơi công cộng. Hãy nói nhỏ tiếng. Tất nhiên là không phải mọi nơi đều bắt buộc bạn phải nhỏ tiếng nên hãy tùy trường hợp nhé.

Không gọi bồi bàn trong nhà hàng

Hãy gửi một tín hiệu bằng cách vẫy tay thay vì gọi lớn nhé (Nguồn: Internet)
Hãy gửi một tín hiệu bằng cách vẫy tay thay vì gọi lớn nhé (Nguồn: Internet)

Đừng gọi to nếu bạn cần được phục vụ. Thay vào đó, hãy thể hiện bằng một tín hiệu như giơ tay lên cao và kiên nhẫn đợi. À thì, bạn vẫn có thể gọi họ nếu phải đợi quá lâu nhé.

Chào hỏi

Thường thì chủ nhà hoặc nhân viên sẽ chào khách khi họ ra về nhưng ở Đức, khách sẽ là người chào nhân viên hoặc chủ nhà nhé.

Gọi nhau

Các du học sinh của WBS đã từng chia sẻ rằng, họ gặp phải những ánh mắt tò mò, khó chịu khi gặp được người quen và cất tiếng gọi họ. Hãy nhỏ tiếng hoặc vẫy tay thay vào đó.

Lịch hẹn

Bất cứ mọi việc đều cần có kế hoạch và không hề có chuyện ngẫu hứng.

Có thể ở Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng ghé thăm đứa bạn thân khi có việc ở gần đấy. Tại Đức, bạn sẽ cần gọi báo hoặc đặt lịch hẹn trước ít nhất 1 ngày nhé. Trừ khi bạn rất may mắn quen được những người bạn không xem chuyện ngẫu hứng là phiền phức hoặc họ có thể đã đến thăm các nước ở châu Á và quen với việc này. Người Đức không thích sự ngẫu hứng đâu.

Đặc biệt, đối với việc hành chính, bạn sẽ cần lịch hẹn ít nhất là vài ngày đấy.

Trang phục

Người Đức thể hiện sự tôn trọng người khác bằng cách ăn mặc chỉnh tề khi ra khỏi nhà. À thì, họ không quá để ý về hình thức nhưng ít nhất bạn không nên mặc các loại đồ ngủ khi ra ngoài.

Nazi

Không được phép sưu tầm bất cứ thứ gì về Hitler và cũng đừng thử chào theo kiểu Nazi nếu bạn không muốn bị ghét nhé. Đây được xem là một giai đoạn mà đa số người Đức đều không muốn nhớ đến.

Không hiểu ư? Hãy hỏi đi!

Một số du học sinh sang Đức ở trình độ B1 hay B2 thường khá ngại ngùng khi tiếng Đức vẫn còn kém và không hiểu được rõ ràng.

Hãy hỏi lại nếu không hiểu thay vì cứ gật đầu hoặc “ja ja” vì có thể bạn sẽ gặp một số trường hợp ăn phạt linh tinh. Kể cả khi làm việc hoặc đi học, hãy hỏi thật rõ nếu có vấn đề chưa hiểu nhé. Ở Đức không có “tôi tưởng” đâu nha.

Trên đây là 20 điều mà WBS Training Vietnam tin rằng các bạn du học sinh mới đến Đức hoặc các bạn sắp sang Đức nên lưu ý khi tới quốc gia này. Tất nhiên, ở mỗi nơi sẽ có những trải nghiệm, quy định khác nhau. Hãy chia sẻ cho WBS Training Vietnam nếu bạn đã có những trải nghiệm thú vị khác nhé!

Đừng quên theo dõi Facebook của WBS Training Vietnam để nhận được thông tin về các khóa học.

Truy cập WBS Training Vietnam để xem thêm các tin khác.

Bài viết liên quan